TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Đồ án "thiết kế tuổi thơ" - một trải nghiệm khó quên của sinh viên Thiết kế Công nghiệp

(VLU, 02/07/2021) Trong học kỳ 2 của năm thứ 3, sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế sản phẩm) được trải nghiệm một môn học rất thú vị mang tên "Thiết kế đồ chơi". Đây là cơ hội để các bạn được tự tay tái tạo tuổi thơ mơ ước thông qua những sản phẩm đồ chơi mới do TS. Đỗ Anh Tuấn - Trưởng ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang hướng dẫn.

Đối với sinh viên ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang, những kỳ thực hiện đồ án thường mang nhiều cảm xúc. Từ đồ án thiết kế sản phẩm gốm sứ, sản phẩm nội thất đến thiết kế sản phẩm kim khí điện máy, hành trình nào cũng đầy ắp tiếng cười, nụ cười và nước mắt, mồ hôi. Trong học kỳ hai của năm thứ ba vừa qua, sinh viên Khóa 24 ngành Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế sản phẩm) chúng mình đã có dịp được học một môn học rất thú vị: Thiết kế đồ chơi, nhằm thiết kế các sản phẩm đồ chơi mới trong thế giới đồ chơi muôn màu muôn vẻ. Sản phẩm của môn học có thể là một sản phẩm đồ chơi giúp phát triển khả năng tư duy của trẻ, hay giúp trẻ có thêm kiến thức thực tế thông qua món đồ chơi; cũng có thể là những món đồ chơi cho dành cho nhóm trưởng thành, mang tính giải trí hoặc tư duy cao.

Đối với sinh viên năm ba ngành Thiết kế Công nghiệp như mình, đây chính là cơ hội để tận dụng những kiến thức được tích lũy từ các đồ án trước, thông qua phân tích, nghiên cứu đối tượng khách hàng để tạo nên một sản phẩm đồ chơi với hình hài bắt mắt, đồng thời sáng tạo ra những cách chơi thú vị cho người chơi. 

vlu do an thiet ke do choi aTS. Đỗ Anh Tuấn và sinh viên Khóa 24 cùng thực hành các bước dựng hình đầu tiên tại xưởng Tạo dáng (thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát).

Năm nay, Khóa 24 chúng mình bắt đầu làm quen với đồ án môn học Thiết kế đồ chơi dưới sự hướng dẫn tận tình của TS. Đỗ Anh Tuấn - Trưởng ngành Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang. Thầy là một người dày kinh nghiệm và giàu kiến thức chuyên môn trong công việc tạo hình, tạo dáng nhân vật điêu khắc. Chủ đề của môn học được đặt ra cho chúng mình trong môn học này là "Thiết kế tạo hình nhân vật". Chúng mình sẽ tạo hình một cặp nhân vật với kiểu dáng bắt mắt, mang ý nghĩa giáo dục, giúp bổ trợ kiến thức về văn hóa, lịch sử Việt Nam cho trẻ em.

Theo mình, đây này là một môn học thực hành, đòi hỏi sự cọ sát thực tế, sự tương tác trao đổi giữa giữa giảng viên và sinh viên rất nhiều. Tuy nhiên do dịch bệnh tái bùng phát trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thầy và trò Khóa 24 buộc phải chuyển qua hình thức học trực tuyến, điều này cũng tạo không ít khó khăn cho chúng mình trong quá trình học và thực hiện sản phẩm.

vlu do an thiet ke do choi jChính người thân là những "trợ thủ đắc lực" cho chúng mình trong lần thực hiện đồ án này. Đây chắc chắn sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của cả lớp trong quãng thời gian học tập online.

Bạn Thu Hà (ảnh trên), sinh viên Khóa 24 ngành Thiết kế Công nghiệp chia sẻ: "Thiết kế đồ chơi là một môn học mang lại cho mình rất nhiều trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ, nhất là khi môn học được diễn ra vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, và thầy trò tụi mình đã phải chuyển sang hình thức học online. Trong giai đoạn đầu, mình gặp khó khăn nhiều khi xây dựng tạo hình nhân vật với chất liệu đất sét sao cho thật đặc sắc và bắt mắt. Mình đã tìm rất nhiều giải pháp chất liệu, từ đất sét, nhựa,... và cuối cùng chọn gỗ, một chất liệu từ thiên nhiên, mộc mạc, phù hợp với nhân vật mà mình lựa chọn. Những khó khăn trong giai đoạn đầu là thế, tuy nhiên cũng do tình hình dịch bệnh phức tạp, mình lại được về quê, có thể tận dụng các vật liệu có sẵn trong vườn nhà như gỗ cây bơ, cau khô, vỏ ốc, vỏ hến, tre... Thế là cùng với sự hỗ trợ của người thân trong nhà, mình đã hoàn thiện sản phẩm như mong muốn."

vlu do an thiet ke do choi kĐiều kỳ diệu được vẽ nên từ chính khu vườn thân thương

Khóa 24 ngành Thiết kế Công nghiệp là một khóa rất đặc biệt vì số lượng sinh viên ít hơn các khóa khác cùng ngành. Cả lớp mình chỉ có "độc" một bạn nam! Sau 3 năm học tập, sỉ số lớp rút chỉ còn 6 bạn. Nhưng ai cũng chất. Cùng xem qua thành quả của Khóa 24 chúng mình trong môn Thiết kế đồ chơi này nhé!

Tạo hình nhân vật "Cô gái dân tộc H'Mông"  Hồ Thị Thu Hà

Là một người con vùng cao, Thu Hà từ nhỏ đã được gặp gỡ các bạn người đồng bào, tiếp xúc và trở nên thích thú với nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Với mong muốn đưa những nét đẹp của dân tộc thiểu số được biết đến rộng rãi hơn, tăng thêm hiểu biết về đồng bào anh em cho các bé thiếu nhi, Thu Hà đã tạo hình nhân vật "Cô gái H'Mông".

Hình ảnh Kim Đồng và Thu Thủy – Lưu Như Ngọc

Kim Đồng và Thu Thủy là hai trong nhóm thành viên đầu tiên ghi danh vào Đội Nhi đồng Cứu quốc (Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay). Nhiệm vụ của Kim Đồng và đồng đội là làm giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Trong một lần đi liên lạc, Kim Đồng phát hiện quân Pháp đang hành quân đến nơi cư trú của cán bộ. Để đánh lạc hướng kẻ địch, giúp các bạn đưa bộ đội về căn cứ an toàn, anh đã hi sinh. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin (Cao Bằng) khi vừa tròn 14 tuổi.

Cảm kích với lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của những em bé làm nhiệm vụ giao liên dù tuổi đời còn rất nhỏ, Như Ngọc mong muốn được truyền tải cho các bé, thế hệ mầm non của đất nước vẻ đẹp của các tấm gương trẻ tuổi, vẻ đẹp của tâm hồn yêu nước, dám dấn thân không sợ quân thù của các em bé giao liên.

vlu do an thiet ke do choi gTác phẩm Kim Đồng và Thu Thủy của bạn Lưu Như Ngọc

Tình mẫu tử của người Việt Nam – Huỳnh Thu Quyên

Cùng với áo dài, áo tứ thân cũng là một trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, bắt nguồn từ trang phục của những phụ nữ miền Bắc thế kỷ XVII. Trang phục của người phụ nữ truyền thống Việt Nam ngoài chiếc áo tứ thân, còn có sự kết hợp của chiếc khăn mỏ quạ, từ lâu đã trở thành vẻ đẹp cổ điển của người con gái Việt. Với mong muốn truyền đạt nét đẹp truyền thống cho giới trẻ hôm nay, bạn Thu Quyên đã chọn hình tượng áo tứ thân, khăn mỏ quạ cùng sự tích hoa cúc trắng, câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục về sự hiếu thảo của người con đối với mẹ mình, để từ đó cha mẹ có thể dễ dàng tương tác với trẻ thông qua kể chuyện hay qua các trò chơi nhỏ giữa hai nhân vật Mẹ và Con.

vlu do an thiet ke do choi bTác phẩm Tình mẫu tử của người Việt Nam của Thu Quyên

Nhân vật con heo và con trâu trong tranh Đông Hồ - Hoài Nhi

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Các dòng tranh Đồng Hồ không chỉ có sự xuất hiện của người nông dân Việt Nam, mà còn có sự xuất hiện của các con vật quen thuộc như hình ảnh con trâu, con heo, con gà,..., vừa thể hiện những nét tương đồng với người nông dân, sự chịu thương chịu khó, làm lụng cày bừa cực khổ (con trâu), vừa là ước mơ, hy vọng về sự ấm no sung túc, thịnh vượng (con heo, con gà). Ngày nay tục lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đang dần mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều. Tuy nhiên, tranh Đông Hồ vẫn đóng vai trò như một di sản văn hóa không thể thiếu trong nét văn hóa Việt. Chính vì lẽ đó, mình đã chọn đề tài này vào môn thiết kế đồ chơi, mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống của ông cha và lưu truyền cho thế hệ sau nữa, gửi vào những món đồ chơi thân thuộc để trẻ em sẽ biết đến nhiều hơn truyền thống tốt đẹp, nét nghệ thuật đặc sắc của ông cha.

vlu do an thiet ke do choi fNhân vật con heo và con trâu trong tranh dân gian Đông Hồ được tái hiện lại qua đồ chơi của sinh viên Văn Lang

 

Vũ Phan Hoài Nhi
Sinh viên K24 ngành Thiết kế Công nghiệp


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag