TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Đại học Văn Lang nhận 02 Giải Bài viết khoa học hay nhất tại Hội thảo Quốc tế ICAMEROB 2021

(VLU, 24/8/2021) - Ngày 20 và 21/8/2021 vừa qua, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Mechatronics and Robotics Society of The Philippines (MRSP) đồng tổ chức hội thảo International Conference on Automation, Mechatronics, and Robotics - ICAMEROB 2021. Sự kiện thu hút sự tham gia của giảng viên các trường Đại học ở Philippines, các nhà nghiên cứu trong khu vực ASEAN và các nước trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên Đại học Văn Lang đồng tổ chức hội thảo quốc tế ở một quốc gia khác, và nhận được 2 giải bài viết khoa học hay nhất.

International Conference on Automation, Mechatronics, and Robotics – ICAMEROB 2021 là Hội thảo quốc tế về Tự động hóa, Cơ điện tử và Robot được tổ chức thường niên tại Philippines. Năm 2021, hội thảo tổ chức lần thứ 3 và hướng đến chủ đề "Breakthrough Innovation, Creativity and Resilience by Embracing Change & Transformation through Research".

vlu icamerob aHội thảo được đồng tổ chức bởi 16 đơn vị, trong đó Trường Đại học Văn Lang là một trong 6 đơn vị thực hiện ký kết MOU với MRSP với vai trò ban tổ chức.

Sự kiện diễn ra từ 8g00 đến 17g00 hai ngày 20 và 21/08/2021 thông qua hình thức trực tuyến. ICAMEROB 2021 quy tụ nhiều diễn giả là các nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thông tin và robot, kết nối hơn 100 nghiên cứu sinh, nhà khoa học, giảng viên và 6 doanh nghiệp tham dự.

03 hoạt động chính của sự kiện bao gồm: 8 bài tham luận của các diễn giả đầu ngành, 6 bài giới thiệu của các doanh nghiệp đồng hành và 26 bài thuyết trình của các tác giả tham gia viết bài cho hội thảo.

8 Diễn giả tham gia trình bày tại hội thảo:

1.GS. Chua-Chin Wang nhận bằng Tiến sĩ về kỹ thuật điện tại SUNY (Đại học Bang New York) tại Stony Brook, Hoa Kỳ, năm 1992. Sau đó ông gia nhập Khoa Kỹ thuật Điện, Đại học Quốc gia Sun Yat-Sen (NSYSU), Đài Loan và là Chủ tịch của bộ phận này trong giai đoạn 2009 – 2012. Ông từng nắm giữ các vị trí: Giám đốc điều hành của Trung tâm Điều hành Hợp tác Công nghiệp - Đại học, NSYSU, trong năm 2012-2014; Phó Chủ tịch Văn phòng Hợp tác Công nghiệp và các vấn đề Giáo dục Thường xuyên, từ tháng 8/2014 đến 2015; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật trong giai đoạn 2014-2017; Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Phương tiện Dưới nước từ năm 2018. Ông hiện là Phó Chủ tịch Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển, NSYSU.
Ông giành được Giải thưởng Giáo sư Kỹ thuật Điện xuất sắc của Viện Kỹ sư Điện Trung Quốc năm 2007. Năm 2010, ông vinh dự là Giáo sư Xuất sắc của Đại học Quốc gia Sun Yat-Sen. Năm 2012, ông giành được Giải thưởng “Giáo sư Kỹ thuật Xuất sắc” của Viện Kỹ sư Trung Quốc và Giải thưởng Nghiên cứu Xuất sắc của NSYSU. Ông trở thành Thành viên IET vào năm 2012 và được bổ nhiệm là Chủ tịch ASE vào năm 2013 vì sự công nhận thành tích trong lĩnh vực thiết kế VLSI và đóng góp vào sự phát triển công nghệ của ngành. Ông được nhận Giải thưởng Thành tựu Kỹ thuật Xuất sắc của IEEE Tainan Section vào năm 2018.

2. TS. C.V. Gopinath lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (Quản lý Giáo dục) tại KSBM, Mumbai và bằng Tiến sĩ (CAD) tại Đại học Andhra, Visakhapatnam. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là Phó Giảng viên tại Zaheerabad. Trước khi đảm nhận vị trí Hiệu trưởng tại MITS, Rayagada, JITM Paralakhemundi, Odisha, ông đã làm việc tại Đại học GITAM, Visakhapatnam trong 13 năm. Ông phụ trách các khóa học như Đồ họa Kỹ thuật, Thiết kế Máy, CAD và CIM, thông thạo các phần mềm Thiết kế và Phân tích Kỹ thuật Cơ khí như CATIA và ANSYS. TS. Gopinath hiện công tác tại Đại học Centurion, Vizianagaram, AP, Ấn Độ.

3. TS. Anthony James C. Bautista là giảng viên nghiên cứu khoa Cơ khí của Đại học Santo Tomas. Ông lấy bằng Cử nhân Khoa học về Kỹ thuật Cơ khí (2003) tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Don Bosco, Mandaluyong. Ông hoàn thành chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật (2008) tại Học viện Công nghệ Mapua và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Doanh nhân (2020) tại Đại học Santo Tomas. Năm 2014, ông lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Philippines, nơi ông quan tâm đến lĩnh vực máy móc nông nghiệp.
Năm 2017, ông theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Harper Adams, Newport Shropshire, Vương quốc Anh, chuyên ngành Robot nông nghiệp và canh tác. Nỗ lực này đã dẫn đến một dự án do DOST-PCAARRD tài trợ để phát triển máy kéo tay dẫn đường bằng GPS đầu tiên cho các ứng dụng canh tác lúa ở Philippines. Ông cũng là cố vấn của DOST-PCAARRD trong lĩnh vực Cơ khí / Robot và Điều hướng tự động. Năm 2019, ông được mời làm nghiên cứu sinh tham quan ngắn hạn tại Đại học Công nghệ Toyohashi, Nhật Bản. Hiên ông đang phát triển hai dự án ưu tiên nghiên cứu của DOST liên quan đến phát triển Máy bay không người lái để giám sát chất lượng nước và phát triển robot dịch vụ trong nhà.

4. TS. Andre Montaud tốt nghiệp ngành CPE (Đại học Lyon - Pháp). Năm 1982, ông lấy bằng tiến sĩ vật lý và hóa học công nghiệp. Sau đó, ông gia nhập tập đoàn dầu mỏ đầu tiên của Pháp Elf. Ông đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật và công nghiệp, với tầm nhìn quốc tế. Ông cũng từng là Giám đốc Chiến lược của các công ty trong lĩnh vực ô tô. Năm 2000, ông thành lập Thésame, một cơ quan tư vấn đổi mới với chuyên môn về cơ điện tử và kỹ thuật sản xuất.
Ông là người khởi xướng EMM (Diễn đàn Cơ điện tử Châu Âu) và Giải thưởng tôn vinh những đổi mới trong cơ điện tử. Vào năm 2015, ông ra mắt Coboteam, cụm robot của vùng Auvergne-Rhône-Alpes, trở thành tổ chức robot lớn nhất ở Châu Âu với hơn 500 công ty và 20 phòng thí nghiệm nghiên cứu. Ông cũng là Phó chủ tịch GRC (Cụm robot toàn cầu), một nhóm gồm 20 cụm trên toàn thế giới và liên đoàn robot của Pháp. Đam mê phổ biến khoa học, ông tổ chức nhiều hội thảo cho nhiều đối tượng khác nhau và thường xuyên đăng các bài báo trên báo chí chuyên nghiệp.

5. GS. TS. Nguyễn Xuân Huấn tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2000 và hoàn thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học New South Wales (Sydney, Úc) năm 2007, chuyên ngành điện tử viễn thông. Ông hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Công nghệ Bản Sao Số London (London Digital Twin Research Centre) và Trưởng nhóm nghiên cứu về công nghệ 5G/6G và IoT. Ông cũng tham gia đào tạo và phản biện cho hơn 30 nghiên cứu sinh ở Anh và trên thế giới. GS. Huấn là hội viên cao cấp của Học viện Giáo dục Đại học của Anh (Higer Education Academy) và của hiệp hội IEEE, tham gia thẩm định nhiều dự án cho các quỹ nghiên cứu của Anh, Châu Âu và Viêt Nam.
Ông cũng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của nhiều hội nghị quốc tế và là trưởng biên tập chính cho các tạp chí công nghệ chuyên ngành. GS. Huấn đã xuất bản hơn 120 bài báo trên các tạp chí và hội nghị hàng đầu trong ngành điện tử viễn thông và mạng máy tính, là diễn giả của gần 20 buổi nói chuyện, phỏng vấn và thảo luận tại nhiều trường đại học trên thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng là Chủ nhiệm đề tài của nhiều dự án nghiên cứu lớn từ các quỹ nghiên cứu danh giá của Anh như UKIERI, Newton Fund, British Council, với đối tác từ nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Pháp. Đặc biệt, ông đã có nhiều dự án với các đối tác ở Việt Nam, Ấn Độ về xây dựng mô hình trên máy tính dùng trí tuệ nhân tạo và machine learning cho các công trình xây dựng trọng điểm (Digital Twin) và cho nhà máy/ sản xuất thông minh, công nghệ viễn thông 5G/6G cho giao thông thông minh, và đào tạo nâng cao kỹ năng nghiên cứu và xuất bản khoa học cho các trường đại học ở Việt Nam. 

6. Kỹ sư Dizon tốt nghiệp Đại học Philippines Diliman. Ông đã làm việc trong lĩnh vực điện trong hơn 15 năm. Năm 2010, Ông gia nhập Sở Khoa học và Công nghệ với vị trí Trợ lý Bộ trưởng. Ông quản lý DOST - Văn phòng Quản lý Dự án và Dịch vụ Thiết kế Kỹ thuật (DOST-PMEDSO) tại Philipines. Ông đã tham gia rất nhiều Dự án Giao thông Công cộng của DOST như: Chuyển tuyến đường bộ tự động, Tàu điện hỗn hợp và Tàu điện lai. Năm 2013, ông là Cán bộ Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Kim loại DOST. Năm 2016, ông trở thành Giám đốc Điều hành Trung tâm. Ông hiện là Giám đốc Chương trình 'Chuyển đổi các MSME của Philippines thông qua Công nghệ 4.0' đồng thời là Giám đốc dự án ‘Thành lập Phòng thí nghiệm Cơ điện tử, Robot và Tự động hóa Công nghiệp Tiên tiến (AMERIAL)’. Kỹ sư Dizon cũng đứng sau sự phát triển của Máy thở dành cho người lớn OstreaVent II đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng khác nhau, gần đây nhất là Giải thưởng Manuel Cruel về Ứng dụng Công nghệ Kỹ thuật Tiên tiến vào năm 2019 và Giải thưởng 100 Nhà khoa học Châu Á vào năm 2020. 

7. TS. Dinakaran Devaraj là giáo sư Kiêm giám đốc Trung tâm Tự động hóa và Người máy của Viện Khoa học và Công nghệ Hindustan, Chennai, Ấn Độ. Ông từng thực hiện các dự án nghiên cứu được tài trợ bởi DST-SERB, Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh, Vương quốc Anh, MTRDC-DRDO,… Ông có gần 20 năm kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực Robot và Tự động hóa. 

8. TS. Dasig là giảng viên xuất sắc trong các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về công nghệ thông tin, kinh doanh và giáo dục. Ông có bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật - Kỹ thuật Máy tính, Chứng chỉ An ninh Quốc gia và Quốc tế. Ông đã trình bày và xuất bản nhiều bài báo nghiên cứu trong các hội nghị quốc tế và tạp chí quốc tế. TS. Dasig có nhiều giải thưởng về báo cáo nghiên cứu và người thuyết trình xuất sắc. Ông nhận được Giải thưởng Ernst & Young Circle of Excellence of Asia CEO Awards năm 2019 và 2020, được trao Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ về Thay đổi xã hội năm 2021. Ông hiện là Chuyên gia Tư vấn Quản lý tại TELUS Communications.

Ngoài ra, 6 đơn vị gồm OnRobot Singapore, Inzpect Technologies, Hytec Power Inc, Cognex Vision System, Omni Fab Inc và Computrends System Technology Inc cũng tham gia giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới nhất đến người tham dự.

Sôi nổi nhất là hoạt động trình bày các bài báo khoa học của các tác giả tham gia viết bài cho hội thảo. Sau gần 2 tháng nhận bài viết và tiến hành đánh giá, ban tổ chức và hội đồng phản biện đã chọn ra 26 bài viết có chất lượng tốt trình bày tại hội thảo theo 4 nhóm chủ đề chính: Kỹ thuật tự động hóa và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật và Công nghệ Cơ điện tử, Kỹ thuật và Công nghệ Robot, Các đổi mới và ứng dụng của IoT và Công nghiệp 4.0.


Khoa Kỹ thuật Đại học Văn Lang nhận 02 Giải Bài viết Khoa học hay nhất

Là đơn vị đồng tổ chức, TS. Lê Hùng Tiến - Trưởng Khoa Kỹ thuật đại diện Trường Đại học Văn Lang tham dự với vai trò Ban tổ chức hội thảo. Song song đó, TS. Phan Xuân Lễ - Trưởng bộ môn Điện – Điện tử, Khoa Kỹ thuật tham gia phản biện tại Hội đồng kỹ thuật và Cô Jennifer Baylon Verances – chuyên viên Phòng Hợp tác Quốc tế và Nghiên cứu Khoa học là thành viên hội đồng xuất bản.

Khoa Công nghệ Đại học Văn Lang đóng góp 9 bài viết khoa học
1. CFD Analysis Of Cross-cut Heat Sink For Electronic Cooling
Tác giả: ThS. Nguyễn Duy Tuệ - Giảng viên Khoa Kỹ thuật

2. Computational Fluid Dynamics Simulation of a Wall Solar Chimney - Effects of the Computational Domain
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật

3. Performance of a Wall Solar Chimney at Different Opening Areas
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật

4. An IoT - Based Fault Detection with Tracking System for Residential Household
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Wilen Melsedec Narvios, Maynard Berbisada, Joecyn Archival

5. IoT – Based Face Recognition for Switching On/Off of the Electrical Connectivity of the Residential Household
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Wilen Melsedec Narvios, Ronaldo Alipin, Joecyn Archival

6. IoT Based Automatic Transfer Switch with Monitoring and Control System
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Wilen Melsedec O. Narvios, Spencer M. Unabia, Ferdinand F. Batayola

7. Motorcycle System Using Face Recognition for Engine Ignition
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Wilen Melsedec Narvios, Archieryan Villegas, Ferdinand Batayola

8. Smart Aquaponics System for a Small-Scale Farmer for Highly Urbanized Settler
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Wilen Melsedec O. Narvios, Christian Kyle N. Cesa1, Ferdinand F. Batayola

9. Utilizing Web Page for Electrical Load Control and Power Monitoring
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật, Wilen Melsedec O. Narvios, Rigel Keith Baluyot, Ferdinand Batayola

Đặc biệt, bài viết “IoT Based Automatic Transfer Switch with Monitoring and Control System” của PGS. TS. Nguyễn Quốc Ý - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật cùng với các tác giả Wilen Melsedec O. Narvios, Spencer M. Unabia, Ferdinand F. Batayola đạt giải BEST PAPER cho hạng mục “Kỹ thuật Tự động hóa và Công nghệ Thông tin”.

vlu icamerob l

Nghiên cứu hướng đến mục tiêu phát triển một hệ thống công tắc chuyển đổi tự động dựa trên IoT giữa hai nguồn điện được tích hợp với hệ thống giám sát và điều khiển, vì hiện nay các công tắc chuyển giao thủ công không thể giải quyết được việc bảo vệ dữ liệu và đảm bảo an toàn khi có sự cố mất điện bất ngờ xảy ra.

Hệ thống được thiết lập bao gồm các khối vi điều khiển, khối cấp nguồn, cảm biến điện áp và dòng điện, các mô-đun (để kết nối không dây), hiển thị và tải. Cảm biến điện áp nguồn chính được kết nối với bộ vi điều khiển cho đầu vào (VECO). Như vậy, vi điều khiển đã tạo ra tín hiệu đầu ra và gửi đến module Rơ-le. Từ đó, điều khiển Rơ-le đã kích hoạt Rơ-le thích hợp, theo hướng dẫn của bộ vi điều khiển để sử dụng nguồn điện dự phòng. Khi công nghệ cải tiến, người tiêu dùng có thể truy cập điều khiển bằng tay và trải nghiệm qua điện thoại di động. Thử nghiệm thực tế của hệ thống được thực hiện để xác nhận khả năng ứng dụng, khả năng tương thích và độ tin cậy của nó cho việc đặt vấn đề trong tương lai.  Sau nhiều thử nghiệm kiểm tra độ chuyển mạch, các tác giả kết luận rằng hệ thống được thiết kế trong nghiên cứu này vẫn đáp ứng các mục tiêu cung cấp tự động hóa, điều khiển thủ công và giám sát. Nghiên cứu này có thể được cải thiện bằng cách sử dụng bộ vi điều khiển có tốc độ xung nhịp và bộ nhớ cao hơn để chứa tất cả các mã và chức năng cho từng bộ triển khai thành phần.

Bên cạnh đó, bài viết “CFD Analysis Of Cross-cut Heat Sink For Electronic Cooling” của ThS. Nguyễn Duy Tuệ, giảng viên khoa Kỹ thuật đạt giải BEST PAPER cho hạng mục “Kỹ thuật và Công nghệ Cơ điện tử”.

vlu icamerob m

Sự tiến bộ trong lĩnh vực điện tử làm cho các thiết bị nhỏ hơn nhưng thông lượng nhiệt cao. Do đó, việc tản nhiệt cho các thiết bị điện tử đóng một vai trò không nhỏ để đảm bảo chúng hoạt động tốt và an toàn. Các bộ phận tản nhiệt bao gồm tản nhiệt, quạt sẽ loại bỏ sức nóng của các thiết bị điện tử càng sớm càng tốt, nếu không các chip sẽ bị hỏng, trục trặc và giảm tuổi thọ do quá nhiệt. Tuy nhiên, rất khó để chúng ta dự đoán nhiệt độ hoạt động của nó. Do đó, phương pháp dựa trên CFD đã được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực này nhằm tối ưu hóa thiết kế, tiết kiệm thời gian và hiển thị phân bố nhiệt độ của thiết bị điện tử. Bài viết của ThS. Nguyễn Duy Tuệ đã áp dụng phần mềm Inventor để phát triển mô hình về kích thước của tản nhiệt cắt chéo. Sau đó, một cuộc điều tra dựa trên CFD đã được tiến hành để đánh giá hiệu suất nhiệt của nó. Mô phỏng được thực hiện với các công suất và vận tốc không khí khác nhau cũng như ở hai góc quay như: 0 độ và 90 độ theo chiều kim đồng hồ quanh trục X để đánh giá các thông số hoạt động. Kết quả cho thấy loại tản nhiệt này có thể áp dụng cho các thiết bị điện tử có công suất thấp hơn 6W mà không có quạt. Việc tăng vận tốc không khí có thể làm giảm nhiệt trở của tản nhiệt. Thậm chí, nhiệt độ của chip 10W có thể giảm từ 87,5 độ xuống 65 độ với tốc độ tăng từ 0 m/s lên 0,25 m/s. Hơn nữa, ở góc 90 độ theo chiều kim đồng hồ, nhiệt độ của chip trong điều kiện đối lưu tự nhiên thấp hơn một chút so với ở góc 0 độ.

Sự kiện ghi dấu nỗ lực của Đại học Văn Lang trong hoạt động tăng cường tham gia tổ chức hội thảo khoa học mang tầm quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế của Khoa Kỹ thuật trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Hy vọng từ bước lấy đà tốt của hội thảo International Conference on Automation, Mechatronics, and Robotics - ICAMEROB 2021, Văn Lang sẽ tiếp tục phát triển và tiến xa trong dự án hợp tác nghiên cứu và tổ chức hội thảo quốc tế tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Gia Hân


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag