TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo Khoa học Khoa Xã hội và Nhân văn lần thứ nhất

(P.TS&TTVăn Lang, 22/4/2019)Ngày 20/4/2019 vừa qua, Khoa Xã hội và Nhân văn đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học lần đầu tiên của Khoa tại phòng họp Sài Gòn  – Tầng 5, Tòa nhà L-V, Cơ sở 3 Trường Đại học Văn Lang.

Tham dự Hội thảo khoa học, có ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang, Nhà báo Dương Trọng Dật - Giám đốc Viện Đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật & Truyền thông Trường Đại học Văn Lang, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ - Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, TS. Hồ Quốc Hùng và PGS. TS. Lê Thị Minh Hà – Phó trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, ThS. Đinh Xuân Tỏa – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, cùng đội ngũ Giảng viên của Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang.

hoi thap khoa hoc khoa xa hoi nhan van aa

Nghiên cứu khoa học là sức sống của mỗi trường đại học. Nhằm phát triển toàn diện năng lực nghiên cứu, trình độ khoa học, uy tín giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo Khoa học lần 1, với các nghiên cứu xoay quanh chuyên môn của các ngành đào tạo Văn học ứng dụng, Tâm lý học và Đông phương học (thuộc Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang).

Hội thảo Khoa học tập hợp được 15 đề tài nghiên cứu đưa vào Kỷ yếu Hội thảo; trong đó 06 đề tài tiêu biểu của các chuyên ngành được lựa chọn trình bày tham luận. Mỗi đề tài nghiên cứu đều tập trung vào những vấn đề mới mẻ và thiết thực theo định hướng ứng dụng của từng ngành học. Qua đó, Hội thảo đóng góp thay đổi cách dạy học ở bậc đại học và định hướng ứng dụng từ lý thuyết vào thực tiễn của từng ngành học.

Tiềm năng ứng dụng trong Văn học ứng dụng

Với đề tài nghiên cứu Môn Lý luận Văn học trong ngành Văn học (Ứng dụng) của Đại học Văn Lang – TS. Nguyễn Hoài Thanh - Giảng viên ngành Văn học ứng dụng khẳng định: “Môn Lý luận văn học phải có sự đổi mới một cách mạnh mẽ từ nội dung đến cách thức giảng dạy và phương pháp truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho những công việc cụ thể”, để làm sao người học có thể ứng dụng được những kiến thức lý luận văn chương đã học vào công việc thực tiễn, trong đào tạo các vị trí cụ thể: nhân viên văn phòng, chuyên viên bộ phận quan hệ khách hàng, biên tập viên, biên kịch, quảng bá du lịch, công tác xã hội... 

Cũng từ những bước chuyển biến rõ rệt ở ngành Văn học ứng dụng, ThS. Lê Thị Gấm phân tích và đề xuất định hướng phát triển tham luận Từ tiềm năng ứng dụng văn học vào quảng cáo, nghĩ về chương trình đào tạo nghề nghiệp. Đề tài phân tích tiềm năng ứng dụng của Văn học vào 03 lĩnh vực: Truyền thông, Quan hệ công chúng và Xây dựng thương hiệu (bao gồm quảng cáo).

ThS. Lê Thị Gấm chia sẻ: “Văn học là sự hòa quyện của các phương thức thẩm mỹ, xã hội và ngôn từ, làm cho Văn học trở thành một loại hình nghệ thuật có tiềm năng ứng dụng lớn…”. Tác giả phân tích tiềm năng ứng dụng của Văn học vào quảng cáo, từ đó đề xuất xây dựng chương trình đào tạo Văn học ứng dụng theo hướng thực tiễn để chuyển tải được khả năng ứng dụng của văn học vào các lĩnh vực đời sống. Trong đào tạo đại học, tác giả cho rằng, một chương trình đào tạo văn học với những nghề nghiệp cụ thể sẽ cần phải xác định vùng giao thoa giữa văn học và ứng dụng. Chẳng hạn, văn học giao thoa với quan hệ công chúng và truyền thông, quảng cáo ở vùng tri thức văn hóa và xây dựng ý tưởng.

Tham vấn tâm lý sinh viên - một nhu cầu cấp thiết

Các báo cáo tham luận của ngành Tâm lý học hướng đến vấn đề Tâm lý học đường - một chủ đề “nóng” trong trường học hiện nay, với Trường Đại học Văn Lang cũng không phải ngoại lệ.

hoi thap khoa hoc khoa xa hoi nhan van bĐề tài “Thực trạng mức độ và nguyên nhân rối loạn lo âu của Sinh viên Khoa Xã hội và Nhân văn của ThS. Bùi Thị Hân chỉ ra có đến 60% sinh viên rối loạn lo âu ở mức độ nặng, 90% sinh viên chưa hiểu rối loạn lo âu là gì. Theo tác giả, hai nguyên nhân gây ra tỷ lệ rối loạn lo âu ở sinh viên cao là do áp lực học tập và bản thân muốn làm nhiều việc một lúc.

Cũng với những trăn trở đó, đề tài “Sinh viên và nhu cầu Tham vấn tâm lý” ThS. Trần Thư Hà tiếp tục làm sáng rõ những khó khăn tâm lý sinh viên Văn Lang đang gặp phải, đưa ra định hướng và tính cấp thiết của việc thành lập Phòng tham vấn tâm lý để trợ giúp tâm lý cho sinh viên Văn Lang trong thời gian sắp tới. 

Ngoài ra, các đề tài "Mức độ và nguyên nhân gây stress của sinh viên Khoa Xã hội và Nhân văn" của ThS. Trịnh Văn Điềm, đề tài "Những khó khăn trong học tập và giao tiếp của sinh viên năm nhất Khoa Xã hội và Nhân văn" của ThS. Trần Hoàng Thu Thủy, đề tài "Hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên Đại học Văn Lang" của ThS. Nguyễn Thị Đào Lưu, đề tài "Sinh viên với vấn đề sức khỏe sinh sản" của PGS.TS. Lê Thị Minh Hà góp phần khơi mở và lý giải nhiều vấn đề tâm lý trong sinh viên dưới ánh sáng tâm lý học.

Đông phương học – cái nôi của lịch sử Đông Nam Á

Trong những năm trở lại đây, những ngành đào tạo Đông phương học được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Tuy chỉ mới chính thức đào tạo ngành này từ năm 2018, song Đông phương học đã trở thành một trong những ngành nổi bật về sức hút trong Trường Đại học Văn Lang, các giảng viên tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy theo cả định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, thực hành.

hoi thap khoa hoc khoa xa hoi nhan van d

Trong ngành Đông phương học, phân ngành Hàn Quốc học có nhiều đóng góp cho đào tạo Khoa Xã hội và Nhân văn. ThS. Võ Sang – giảng viên ngành Hàn Quốc học Trường Đại học Văn Lang đã tổng hợp “Hiện trạng giáo dục tiếng Hàn và ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam” thành một đề tài nghiên cứu và báo cáo thành tham luận tại Hội thảo. Theo tác giả, hiện nay tại Việt Nam, mạng lưới học tiếng Hàn đã rải khắp nhiều tỉnh thành Bắc – Trung – Nam với 31 trường đại học đào tạo ngành Hàn Quốc học. Các trường đại học tập trung đào tạo các nhân viên biên, phiên dịch, du lịch,… với các phương pháp khác nhau. Các hình thức đào tạo đa dạng, đa trình độ đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.

hoi thap khoa hoc khoa xa hoi nhan van cTS. Huỳnh Công Tín với đề tài "Lời từ trong nhạc Bole’ro của Trúc Phuơng", tìm hiểu tiết tấu, ngôn ngữ và âm hưởng vần điệu trong thơ ca, ngôn ngữ nghệ thuật hình tượng trong âm nhạc Bole’ro.

Bên cạnh 6 đề tài trình bày tại hội thảo, còn 9 đề tài được chọn đăng kỷ yếu Hội thảo khoa học của khoa Xã hội & Nhân văn: Văn học ứng dụng hay Văn học và ứng dụng (TS. Hồ Quốc Hùng); Chương trình Tiếng Anh chuyên ngành Văn học ứng dụng trong một số trường đại học Pháp (ThS. Nguyễn Quốc Thắng): Hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên Trường đại học Văn Lang (ThS. Nguyễn Thị Đào Lưu); Sinh vien với vấn đề sức khỏe sinh sản (PGS.TS. Lê Thị Minh Hà); Những khó khăn trong học tập và giao tiếp của sinh viên năm nhất Khoa Xã hội và Nhân văn (ThS. Trần Hoàng Thu Thủy); Mức độ và nguyên nhân gây stress của sinh viên Trường Đại học Văn Lang (ThS. Trịnh Văn Điềm); Thành tố "kẻ" và "cái" trong hệ thống địa danh Bắc - Trung - Nam Bộ (PGS.TS. Đặng Ngọc Lê và TS. Huỳnh Công Tín); Một số vấn đề về việc sử dụng từ nối trong tiếng Việt (đối chiếu với liên từ trong tiếng Hán) (ThS. Hà Thị Minh Trang); Tìm hiểu phép tôn kính của tiếng Hàn (ThS. Nguyễn Thị Hương).

hoi thap khoa hoc khoa xa hoi nhan van eTập thể sư phạm Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tại Hội thảo Khoa học lần 1

Phát biểu tại Hội thảo khoa học, ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang - chia sẻ: “Sự coi nhẹ các giá trị xã hội và nhân văn của thời đại hiện nay cùng sự suy thoái của văn hóa Việt ngày càng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực. Trước xu hướng đó, Văn Lang quyết định mở ra hướng phát triển Xã hội và Nhân văn, bất chấp thực trạng hiện tại những ngành học này rất hiếm người theo học. Văn Lang quyết tâm giữ vững mục tiêu đào tạo các thế hệ nhân văn mới, góp phần cải tạo và lan tỏa các giá trị nhân văn trở lại với cuộc sống. Đây là sứ mệnh và cũng là trách nhiệm mà Văn Lang nói chung và Khoa Xã hội và Nhân văn nói riêng phải gánh vác. Khoa Xã hội và Nhân văn là nơi được chọn để tạo ra các thế hệ sinh viên nhân văn hơn, mang lại lợi ích cho xã hội, cũng từ đấy nâng Văn Lang lên một tầm cao mới." Những lời chia sẻ chân tình của Chủ tịch Hội đồng Quản trị tiếp thêm nhiệt huyết cho mỗi giảng viên Khoa Xã hội & Nhân văn thêm vững tin vào sứ mệnh giảng dạy tại trường Đại học Văn Lang.

Nhà báo Dương Trọng Dật - Giám đốc Viện Đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật & Truyền thông Trường Đại học Văn Lang, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng - nhận định: “Sự thay đổi nhanh của thời đại đã thay đổi rất nhiều định hướng ứng dụng của từng ngành học tại Khoa Xã hội và Nhân văn. Tuy nhiên, sự thay đổi tại ngành Văn học ứng dụng là những thay đổi đúng hướng và tích cực nhằm nâng cao khả năng thích nghi của ngành học và tạo ra sự phát triển nghề nghiệp liên ngành. Cùng nền tảng về lý luận tâm lý, thì những báo cáo khoa học ở ngành Tâm lý nên được mở rộng và khảo sát toàn thể sinh viên trường. Các kết quả nghiên cứu đều nhằm tạo ra môi trường giáo dục tốt nhất tại Văn Lang.”

 

Nguyễn Trung Nghĩa

Sinh viên khóa 1 – Ngành Văn học ứng dụng


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag