TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Sinh viên Văn học ứng dụng giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: “Đứng trước Biển – Cù lao Tràm và văn học đổi mới”

(P.TS&TT – Văn Lang, 11/5/2019)Sáng ngày 11/5/2019, sinh viên ngành Văn học (ứng dụng) Trường Đại học Văn Lang đã có buổi gặp gỡ và giao lưu cùng tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn – nhà văn tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới (tại phòng 8.1, tòa nhà A, Cơ sở 3 - 69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM).

dh van lang giao luu nha van nguyen manh tuan aSinh viên Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang hân hạnh đón tiếp và giao lưu với nhà văn Trần Mạnh Tuấn và vợ - nhà văn Hà Phương tại buổi tọa đàm về văn chương "Đứng trước biển - Cù lao Tràm và văn học đổi mới" (11/5/2019).

Buổi giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn do Khoa Xã hội & Nhân văn tổ chức nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang. Tham dự buổi giao lưu có ông Bùi Quang Độ – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Lê Ngọc Sơn  - Ủy viên thường trực Hội đồng Quản trị, Nhà báo Dương Trọng Dật - Giám đốc Viện Đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật & Truyền thông, ông Nguyễn Xuân Tế - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Văn Lang, PGS.TS. Phạm Ngọc Doanh – Trưởng Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông và Nghệ thuật, PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ - Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, TS. Hồ Quốc Hùng – Phó trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang.

dh van lang giao luu nha van nguyen manh tuan bCác giảng viên Khoa Xã hội & Nhân văn cùng khoảng 100 sinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang tham dự buổi giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.

dh van lang giao luu nha van nguyen manh tuan c

Mở đầu buổi gặp gỡ, ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang xúc động chia sẻ với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: “Chúng tôi có mặt ở đây như chứng nhân cho những năm tháng vàng son vào những năm 80 của thế kỷ trước. Có thể nói rằng chúng tôi là những “độc giả kỳ cựu” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn trong thời kỳ đất nước đổi mới. Hôm nay, chúng tôi cùng họp mặt để chia sẻ và phát biểu cảm nghĩ của mình với tư cách một bạn đọc chân thành gặp mặt nhà văn mà mình cảm mến và ái mộ”.

dh van lang giao luu nha van nguyen manh tuan d“Buổi trò chuyện cùng quý Thầy Cô Trường Đại học Văn Lang và sinh viên ngành Văn học ứng dụng có thể xem là sự trở lại giao lưu cùng độc giả của tôi sau 15 năm “rửa tay gác kiếm”! – nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ tại buổi giao lưu.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được xem là một trong những nhà văn tiên phong cho Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tại buổi giao lưu, ông chia sẻ những trải nghiệm trong hành trình trở thành nhà văn của mình, những góc nhìn khác về sự nghiệp viết văn ở những năm thập niên 80 của thế kỷ XX và hành trình vượt qua những khó khăn mà bản thân ông cũng như những nhà văn theo đuổi con đường văn học hiện thực trong thời kỳ mới đầy thách thức lúc bấy giờ. Ông khẳng định: “Cho đến hiện nay, dù chưa có một ngòi bút nào có thể làm đòn xoay chuyển chế độ, nhưng những nội dung của Văn hóa và Văn học về hiện thực xã hội trong tác phẩm văn học ở thời kì đó hay đến bây giờ mà văn chương truyền tải vẫn luôn là điểm nhạy cảm nhất trong xã hội”. Nhà văn cũng chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình viết những tác phẩm nổi tiếng để đời của mình: Đứng trước Biển, Cù lao tràm…

dh van lang giao luu nha van nguyen manh tuan ePhần trao đổi, chia sẻ và giải đáp những câu hỏi của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn với những “độc giả kỳ cựu” là giảng viên Văn Lang và sinh viên ngành Văn học ứng dụng diễn ra hết sức sôi nổi, thân tình và ấm áp.
(Ảnh: TS. Hồ Quốc Hùng - Phó trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn tham gia đặt câu hỏi giao lưu cùng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn).

TS. Hồ Quốc Hùng - Phó trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang - đặt vấn đề: “Trong một bài viết của mình, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30-4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng “đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát”. Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Làm sao có thể hàn gắn những khoảng cách giữa những thế hệ với nhau? Khoảng cách ấy hiện hữu ngay trong chính bản thân mỗi người, trong chính những hoạt động sống hằng ngày. Vậy, khi viết tác phẩm Khoảng cách ấy tác giả có nghĩ đến vấn đề này không?”.

Đáp lời TS. Hồ Quốc Hùng, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ chân thành: “Khi sáng tác, tôi thường không nghĩ quá nhiều hay đặt nặng về các vấn đề như kinh tế, chính trị hay triết học trong chính bài viết của mình, bởi vì cái gì đến cũng sẽ đến. Khoảng cách giữa các thế hệ như vết thương chung của dân tộc vậy, cần được để cho yên ắng và lắng đọng, rồi người ta có thể dần chấp nhận và bỏ qua nó, thay vì tiếp tục hằn sâu thêm và rỉ máu, làm cho nó trở nên xấu hơn và có nhiều biến chứng không đáng có. Vì vậy, theo ý của tôi, cái gì qua rồi hãy để nó qua đi, bởi chúng ta không thể cứ mãi ở trong quá khứ, hay cứ mãi chìm sâu trong sự đau thương cho những đIều vốn dĩ đã qua đi. Chúng ta cần quên đi, sẽ hướng đến những thứ tốt đẹp hơn và đáng trân trọng hơn”.

dh van lang giao luu nha van nguyen manh tuan gTS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Văn Lang - bày tỏ sự đồng cảm với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn về khó khăn mà chính ông đã trải nghiệm về “cái nghèo, cái khó” trong thời kỳ đổi mới, trong những ngày đầu thành lập Trường Đại học Văn Lang. Đó là những cảm nhận chân thành mà đến nay ông mới có dịp được nói ra trước đông đảo giảng viên và sinh viên.

dh van lang giao luu nha van nguyen manh tuan hNhà báo Dương Trọng Dật - Giám đốc Viện Đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật & Truyền thông Trường Đại học Văn Lang, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng (bìa phải) thay mặt tổng kết buổi giao lưu.

Tổng kết những nội dung được chia sẻ trong buổi giao lưu, Nhà báo Dương Trọng Dật gửi lời nhắn nhủ sinh viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang: “Đầu tiên, các con phải nhận thức rõ rằng Văn học – Nghệ thuật là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng và cực kỳ gian khổ. Các con phải nỗ lực để đối mặt với những gian khổ trước mắt. Việc học là chuyện của mỗi con người, không chỉ học ở Thầy Cô của mình, các con phải học thêm thật nhiều từ những trải nghiệm của đời sống nữa. Các con phải biết cách đặt câu hỏi và tìm cách giải mã chính câu hỏi của mình về cuộc sống, về lịch sử và hãy tìm mọi kiến thức nhằm giải mã câu hỏi của bản thân mình. Hành trình này không phải chỉ nằm ở việc đọc mà phải hiểu, hiểu lịch sử và cuộc sống theo lăng kính chân thật nhất. Các con cần trở thành những con người có năng lực gắn kết, mang văn hóa, văn học làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn từng ngày.”

Buổi gặp gỡ và giao lưu cùng Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ vỏn vẹn khoảng hai tiếng đồng hồ, tuy ngắn ngủi những đã khiến bao giảng viên - những độc giả của dòng Văn học đổi mới thập niên 80 và toàn thể sinh viên tham dự trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Sau chương trình, bạn Nguyễn Ngọc Nhã Trâm – sinh viên năm nhất, ngành Văn học ứng dụng thích thú: “Qua buổi giao lưu cùng Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, mình như một lần được sống trong thời kỳ đổi mới những thập niên 80 và có cái nhìn rõ nét hơn về bối cảnh văn học Việt Nam ở thời kì này. Mình nhận thức thực tế hơn về ngành nghề mà bản thân đang lựa chọn và từ đây được tiếp thêm lửa trên hành trình theo đuổi ước mơ”.

 

Nguyễn Trung Nghĩa
Ảnh: Tất Thành


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag