TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo khoa học ngành Văn học ứng dụng - khát vọng cải cách đào tạo ngành Văn học bậc đại học

(P.TS&TT – Văn Lang, 15/6/2019) - Sáng ngày 04/6/2019, Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo Khoa học ngành Văn học (Ứng dụng) tại phòng họp Hà Nội, tòa nhà L-V, Cơ sở 3 (Số 69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM).

dh van lang hoi thao kh van hoc ung dung aHội thảo khoa học ngành Văn học (ứng dụng) nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, các chuyên gia đầu ngành Văn học tại một số trường đại học tại Tp.HCM. 19 đề tài nghiên cứu được lựa chọn in trong Kỷ yếu Hội thảo, 6 đề tài trình bày trực tiếp trong Hội thảo sáng 04/6/2019.

Về phía Trường Đại học Văn Lang, tham dự Hội thảo có ông Bùi Quang Độ – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng, PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ - Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, PGS. TS. Bùi Anh Thủy – Trưởng khoa Luật, TS. Hồ Quốc Hùng – Phó trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn, Trưởng ngành Văn học ứng dụng; cùng các giảng viên, sinh viên quan tâm.

Văn Lang hân hạnh đón tiếp các chuyên gia ngành Văn học đến từ những trường đại học lớn: PGS.TS. Đoàn Lê Giang – Trưởng Khoa Việt Nam học, Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM; PGS.TS. Nguyễn Thành Thi – nguyên Trưởng khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM; PGS.TS. Trần Hoài Anh – Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM.

Báo cáo đề dẫn của TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn, Trưởng ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang định hướng rõ 4 nhóm vấn đề lớn được thảo luận trong Hội thảo Khoa học:

  • Tính cấp thiết của việc chuyển hướng đào tạo Văn học: bên cạnh định hướng truyền thống, hàn lâm, cần phải mở rộng định hướng đào tạo Văn học theo hướng ứng dụng xu thế của thời đại. Các đề tài nghiên cứu ở nhóm này chỉ ra phạm vi của Văn học vô cùng phong phú, thực tế cho thấy Văn học còn mở rộng sang hoạt động văn chương cho trẻ em và cả lĩnh vực trị liệu tâm lý...
  • Những trăn trở về cơ chế lựa chọn tri thức hay tính thực dụng chi phối cách truyền thụ tri thức. Các đề tài nghiên cứu theo hướng này nêu ra hạt nhân của vấn đề dạy và học, “dạy cái mà anh biết hay dạy cái mà người học cần dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội”.
  • Đề xuất các phương pháp đào tạo theo hướng chú trọng rèn luyện kỹ năng: nói, tư duy và viết các thể loại văn bản... Trong nhóm nghiên cứu này, đặc biệt đáng chú ý là đề tài nghiên cứu của PGS. TS. La Khắc Hòa đã đề xuất hé lộ tiềm năng, triển vọng lớn cho khoa học Văn học ứng dụng còn mới mẻ.
  • Những góc nhìn mới từ nghiên cứu của những nhà khoa học trẻ; những bước đi sáng tạo, chắc chắn, được chắt lọc và đúc kết qua quá trình trải nghiệm thực tiễn của người nghiên cứu.

dh van lang hoi thao kh van hoc ung dung bTS. Hồ Quốc Hùng hào hứng chia sẻ:Hội thảo Khoa học về ngành Văn học Ứng dụng lần này quy tụ được sự quan tâm đặc biệt từ một số chuyên gia đầu ngành Văn học ở một số trường đại học lớn trong phạm vi Tp. Hồ Chí Minh và những nhà khoa học là quý Thầy/Cô hiện đang công tác ngay tại Trường Đại học Văn Lang. Tuy có hạn về phạm vi, đối tượng tham gia nhưng các đề tài nghiên cứu đều thể hiện tinh thần khai phóng, tầm nhìn và khát vọng lớn về cuộc cải cách đào tạo ngành Văn học ở bậc Đại học hiện nay. Chúng tôi quyết định chọn ra 19 đề tài nghiên cứu trong những đề tài được gởi về cho Ban tổ chức. Một điều thật sự bất ngờ, nằm ngoài dự liệu, là trước khi “đóng sổ”, chúng tôi còn nhận được bài gởi đến từ Trường Đại học Thái Nguyên - một nơi xa xôi so với chúng ta. Điều này chứng tỏ dấu hiệu tích cực của xã hội về sự trở mình của Văn học trong thời đại 4.0 đang tạo được sự lan tỏa và sự quan tâm của nhiều nhà khoa học khác.”

6 tham luận trình bày tại Hội thảo:
1. Ngữ văn ứng dụng – kinh nghiệm quốc tế, nhu cầu xã hội và khả năng phát triển ở Đại học Việt Nam (PGS. TS. Đoàn Lê Giang)
2. Văn học trong quan hệ với Văn hóa từ góc nhìn ứng dụng (PGS. TS. Trần Hoài Anh)
3. Văn học ứng dụng và những câu hỏi cần tìm lời giải đáp (PGS. TS. La Khắc Hòa)
4. Văn học dạy cho ai? Ứng dụng thì dạy cái gì? Người học họ cần gì? (PGS. TS. Nguyễn Thành Thi)
5. Từ tiềm năng ứng dụng văn học vào quảng cáo, nghĩ về chương trình đào tạo nghề nghiệp (ThS. Lê Thị Gấm)
6. Mối quan hệ giữa Luật với Văn học (PGS. TS. Bùi Anh Thủy)

dh van lang hoi thao kh van hoc ung dung cPGS. TS. Đoàn Lê Giang (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM) nhận định: “Khắp các trường đại học, các nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn không còn được coi trọng như trước nữa. Sự xem nhẹ này đã tạo ra sự khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến nhu cầu của xã hội tăng cao, sự đòi hỏi về phẩm chất về nhân văn và việc đào tạo ra những con người nhân văn đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết của xã hội hiện nay”.

Trong đề tài nghiên cứu, PGS. TS. Đoàn Lê Giang chỉ rõ: “Về phương diện thị trường lao động, khi các ngành dịch vụ truyền thông giữ vai trò quyết định chi phối thị trường thì yêu cầu nguồn nhân lực có khả năng giao tiếp tốt và biết vận dụng ngôn ngữ chuẩn xác, hiệu quả lại là một vấn đề cấp thiết được đặt ra cho ngành Văn học (Ứng dụng) tại Trường Đại học Văn Lang”.

dh van lang hoi thao kh van hoc ung dung dPGS. TS. La Khắc Hòa bày tỏ quan điểm và nhận định bằng phương pháp tự biện qua đề tài nghiên cứu Văn học ứng dụng và những câu hỏi cần tìm lời giải đáp.

PGS. TS. La Khắc Hòa chỉ ra nhu cầu cấp thiết của việc thực hiện khảo sát xã hội để thu về báo cáo xã hội học, đúc kết những nhu cầu chính yếu của xã hội hiện nay đang đòi hỏi ở ngành Văn học (Ứng dụng). Thầy bày tỏ quan điểm rõ hơn về tính “Ứng dụng” của ngành Văn học tại Trường Đại học Văn Lang là cung cấp bộ công cụ chiếm lĩnh tri thức cho người học chứ không phải cầm tay chỉ việc cho người học; người học sẽ trở thành chủ thể tiêu dùng sản phẩm, ý tưởng từ văn học chứ không phải là đối tượng bị nhào nặn bằng văn học. Nhiệm vụ của Văn học (Ứng dụng) là đào tạo người học trở thành chủ thể tiêu dùng Văn học, họ phải làm chủ tri thức Văn học của bản thân mình, để từ đó nhận ra những công việc phù hợp với năng lực của bản thân.

Trình bày báo cáo tại Hội thảo, PGS. TS. Trần Hoài Anh nhận định: “Là thành tố cơ bản của Văn hóa, Văn học có vai trò tất yếu trong việc phản ánh văn hóa dân tộc trên nhiều bình diện. Việc nghiên cứu Văn học trong quan hệ với Văn hóa nhìn từ góc độ ứng dụng là một việc làm không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn và góp phần luận giải cho mối quan hệ giữa Văn hóa và Văn học trong quá trình sử dụng lý thuyết nghiên cứu liên ngành và khảo sát các giá trị Văn hóa xã hội theo hướng ứng dụng”.

PGS. TS. Nguyễn Thành Thi phát biểu: “Ngành đào tạo tại các trường đại học thì hữu hạn, mà sự trang bị tri thức và năng lực thì vô cùng. Bài toán đặt ra cho người đào tạo là phải tìm ra con đường để tri thức được đào tạo có khả năng thích nghi cao, giúp người học có thể đạt đến mức làm việc và vận dụng cách vững vàng, hiệu quả”.

dh van lang hoi thao kh van hoc ung dung eCác học giả với bề dày kinh nghiệm đã có những trao đổi thẳng thắn và thiện chí để đóng góp ý kiến xây dựng định hướng phát triển ngành Văn học ứng dụng tại Trường Đại học Văn Lang.

ThS. Lê Thị Gấm – Giảng viên ngành Văn học ứng dụng Trường Đại học Văn Lang, qua đề tài Từ tiềm năng ứng dụng văn học vào quảng cáo, nghĩ về chương trình đào tạo nghề nghiệp, đã phân tích tiềm năng ứng dụng của Văn học vào 03 lĩnh vực: Truyền thông, Quan hệ công chúng và Xây dựng thương hiệu (bao gồm quảng cáo), từ đó đề xuất xây dựng chương trình đào tạo Văn học ứng dụng theo hướng thực tiễn để truyền tải khả năng ứng dụng của văn học vào các lĩnh vực đời sống. Theo cô, văn học là sự hòa quyện của các phương thức thẩm mỹ, xã hội và ngôn từ, làm cho văn học trở thành một loại hình nghệ thuật có tiềm năng ứng dụng lớn…”

Tham luận cuối cùng trình bày tại Hội thảo là của PGS. TS. Bùi Anh Thủy – Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang. Thầy nêu rõ sự cần thiết của Văn học và tính liên ngành giữa Văn học với ngành Luật trong việc giảng dạy sinh viên. Theo thầy, “nếu sở hữu kỹ năng và khả năng của một “phù thủy ngôn từ” thì rất dễ  thành công trong các lĩnh vực khác mà bản thân người học đã chọn, trong đó đặc biệt là ngành Luật.

Ngoài 6 tham luận, 13 đề tài nghiên cứu khác được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học ngành Văn học (Ứng dụng) là nguồn tài liệu học thuật giá trị cho lãnh đạo, giảng viên và sinh viên Văn Lang:

1. Văn học và Ứng dụng (GS. TS. Trần Đình Sử),
2. Văn học ứng dụng hay Văn học và Ứng dụng (TS. Hồ Quốc Hùng),
3. Môn Lý luận văn học trong ngành Văn học ứng dụng của Đại học Văn Lang (TS. Nguyễn Hoài Thanh),
4. Chương trình đào tạo Bộ môn tiếng Anh chuyên ngành của ngành Văn học ứng dụng trong một số trường đại học tại Pháp: nội dung, định hướng và quan điểm (ThS. Nguyễn Quốc Thắng),
5. Từ bộ môn Văn học ứng dụng trong trường Đại học – một vài suy nghĩ từ người dạy Văn học Cổ điển (PGS. TS. Đoàn Thu Vân),
6. Từ chương trình môn học Lịch sử Văn minh Thế giới đến thực tế dạy và học theo định hướng ứng dụng ở khoa Xã hội và Nhân văn – Trường Đại học Văn Lang Tp. Hồ Chí Minh (TS. Nguyễn Thị Bích Thúy),
7. Tư duy Văn học cho người làm Quan hệ Công chúng (ThS. Đặng Thị Kim Chi),
8. Phát triển năng lực cá nhân và năng lực hoạt động thực tiễn – hướng mở của ngành Văn học ứng dụng (TS. Phan Thị Minh Thúy),
9. Sức sống đa dạng của ngành Văn học (Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải),
10. Văn học đối diện và đồng hành cùng truyền thông
(TS. Lê Thị Vân),
11. Văn học ứng dụng và trị liệu (TS. Nguyễn Lương Hải Khôi),
12. Xã hội hóa Văn học nhìn từ thực trạng sáng tác cho thiếu nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh
(PGS. TS. Bùi Thanh Truyền – Văn Thành Lê),
13. Văn học ứng dụng – Một hướng đào tạo mới trong trường Đại học (PGS. TS. Cao Hồng).

dh van lang hoi thao kh van hoc ung dung gĐại diện lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang, Ông Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị và PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp tích cực từ các nhà nghiên cứu ngoài Trường và sự nỗ lực của ngành Văn học ứng dụng tổ chức Hội thảo nghiên cứu khoa học lần đầu tiên.

Ông Bùi Quang Độ, với tâm thế một người quan tâm đến sự biến chuyển của văn chương và thời đại, đã chia sẻ: “Ngày nay, xã hội đang coi nhẹ các giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội và nhân văn của thời đại. Một số yếu tố văn hóa đang suy mòn, một phần do lỗi ở bộ phận đào tạo và các nhu cầu thực dụng của xã hội đã bức ép các giá trị nhân văn. Trước nhu cầu cấp thiết về việc đào tạo những thế hệ giàu nội lực và sức mạnh để có thể lan tỏa các giá trị nhân văn trở lại xã hội, Trường Đại học Văn Lang quyết định mở hướng phát triển các ngành học về Xã hội và Nhân văn nói chung, đặc biệt là ngành Văn học (Ứng dụng) nói riêng. Văn Lang quyết tâm giữ vững mục tiêu đào tạo và xem đây sứ mệnh, trách nhiệm to lớnTrường và Khoa cần gánh vác”.

PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu cũng chia sẻ câu chuyện nhỏ trong việc nhìn nhận những giá trị hữu ích mà văn chương mang đến cho chính mình: “Bản thân tôi có một tiếc nuối lớn, đó là không thể tiếp tục theo đuổi con đường văn chương. Đến thời điểm hiện tại, khi nhìn lại những thành công của bản thân đạt được, đều có sự góp phần của những kiến thức và kỹ năng của Văn học mà tôi đã học được ở bậc phổ thông. Từ việc lập luận phân tích vấn đề, phản biện bảo vệ quan điểm cá nhân đều phải sử dụng những kiến thức mà bản thân học được khi học Văn. Vì vậy, kiến thức và kỹ năng mà Văn học cung cấp thật sự rất hữu ích, nó góp phần làm cho những thành công của mỗi người trở nên vượt trội hơn”.

Những chia sẻ chân tình của Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang đã tiếp thêm nhiệt huyết cho mỗi giảng viên Khoa Xã hội & Nhân văn thêm vững tin vào sứ mệnh giảng dạy tại Trường Đại học Văn Lang.

Tổng kết Hội thảo, TS. Hồ Quốc Hùng chia sẻ nhiệt huyết và lãng mạn: “Cùng với khát vọng mãnh liệt của người đã phát biểu hay chưa phát biểu, đã viết hay còn dang dở những dòng suy tư thì tất cả đều mang tinh thần chung rằng vẫn còn đó những con người thật sự quan tâm đến văn chương, quan tâm đến cách cải tạo lại những giá trị nhân văn đã bị mai một bởi thời đại. Tôi chỉ mong, mỗi người tham dự buổi hội thảo hôm nay sẽ nuôi lấy ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng mình, bởi lẽ đám lửa hôm nay trong ta tuy nhỏ nhưng rồi sẽ có ngày chúng ta có đủ nội lực để thổi bùng nó to lên và làm nó lan tỏa rộng khắp”.

Nguyễn Trung Nghĩa – Sinh viên khóa 2, ngành Văn học (Ứng dụng)
Ảnh: Nguyễn Minh Bảo Tất Thành.


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag