TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Hội thảo Khoa học trực tuyến "Chăm sóc và nâng cao sức khỏe mùa dịch"

(VLU, 29/8/2021) -  Sáng ngày 27/8/2021, Khoa Y và Khoa Y học Cổ truyền Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức thành công buổi hội thảo khoa học với chủ đề "Chăm sóc và nâng cao sức khỏe mùa dịch”, diễn ra trực tuyến trên ứng dụng Zoom và livestream trên Youtube.

Trong tình hình đại dịch Covid đã và đang gây nhiều tổn hại về sức khỏe và tinh thần cho con người, việc tự chăm sóc và nâng cao sức khỏe mùa dịch là điều cần thiết. Với mong muốn làm rõ các vấn đề khoa học xoay quanh dịch bệnh, truyền tải kiến thức quan trọng cho cộng đồng nhằm thực hiện phòng chống Covid-19 hiệu quả, Hội thảo đã kết nối người tham dự với 3 báo cáo viên là các Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực sức khỏe hiện đang công tác tại Khoa Y và Khoa Y học Cổ truyền Trường Đại học Văn Lang: TS. BS. Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng Khoa Y, PGS. TS. Nguyễn Văn Thọ - Trưởng Khoa Y học Cổ truyền và TS. BS. Phùng Quốc Đại - Giảng viên Khoa Y học Cổ truyền.

vlu khoa y to chuc hoi thao khoa hoc a

Mở đầu Hội thảo, TS. BS. Phùng Quốc Đại – Giảng viên Khoa Y học Cổ truyền trình bày báo cáo "Vaccine Covid-19: Công nghệ và tác dụng trong tình hình Việt Nam hiện nay”. Thông qua báo cáo, TS. BS. Phùng Quốc Đại đã tóm gọn và giải thích rõ hơn những vấn đề tổng quan về Vaccine; tác dụng của Vaccine và có những miêu tả đặc trưng về những Vaccine được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam, giúp người xem hình dung cơ chế hoạt động của của các loại Vaccine hiện có: Sinopharm được xem là “xác sống viruss”, Oxford/Astrazeneca nổi tiếng với công nghệ “viruss biến đổi”, nhóm Vaccine nhân tạo là BioNtech/ Pfizer và Novavax. Tác dụng cơ bản chung của các loại Vaccine này khi tiêm vào cơ thể người là kích hoạt hệ thống miễn dịch, bảo vệ con người trước tác nhân gây hại của dịch Covid-19.

Bằng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, TS. BS. Phùng Quốc Đại giải đáp nhiều thắc mắc cho người tham dự một cách rành mạnh, rõ ràng. Bạn Hà Tố Uyên (sinh viên ngành Dược học, khóa 26) thắc mắc: "Hai mũi Vaccine được khuyến khích tiêm cách nhau 04-08 tuần, vậy có thể tiêm sớm hơn, cách nhau 02 tuần không?” TS. BS. Phùng Quốc Đại giải thích: “Có thể tiêm mũi 2 chậm hơn thời gian khuyến khích nhưng không nên sớm hơn. Vì nguyên tắc tác dụng của mũi tiêm 1 là tạo hệ miễn dịch, mũi tiêm 2 là kích hoạt miễn dịch lâu hơn trong máu, tăng nộng độ kháng thể; nếu tiêm mũi 2 quá sớm thì tác dụng không tối ưu. Về mặt y học, tiêm vaccine cần có quá trình, thời gian thích ứng và cần thời gian cho tế bào limpho T sinh sôi. Về mặt xã hội, trong tình hình vaccine còn khan hiếm, nhiều người dân nôn nóng đi tiêm mũi 2 có thể dẫn đến thiếu hụt vaccine diện rộng.”

vlu khoa y to chuc hoi thao khoa hoc b

TS. BS. Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng Khoa Y trình bày báo cáo chủ đề: "Bác sĩ Gia đình – Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng mùa dịch”. Đây là chủ đề thiết thực, giúp người tham dự hiểu cặn kẽ những vấn đề về y học gia đình; kết hợp các nguyên lý Y học gia đình và Khoa học về sáng tạo để nâng cao chất lượng đời sống, chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn.

Bằng trải nghiệm thực tế, phần trình bày của TS. BS. Nguyễn Hùng Vĩ giúp những người tham dự hiểu và đồng cảm hơn với những người đã và đang đấu tranh với dịch bệnh. Theo bác sĩ, "Ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là quyết định." Người dân chưa có kinh nghiệm trong chiến dịch này nên khó tránh khỏi việc mất kiểm soát cảm xúc. Chính vì vậy, cần có sự tham mưu nhất quán của hệ thống phòng dịch chặt chẽ; xem bệnh nhân là khách quý, không nên kỳ thị họ, giúp họ lạc quan và có động lực vượt qua bệnh dịch. TS. BS. Nguyễn Hùng Vĩ cũng "bật mí" hiện thầy đang nghiên cứu một số đề tài và mô hình hữu ích, hi vọng sớm góp phần giúp nhân dân tiếp cận bệnh viện một cách an toàn và chống dịch hiệu quả.

Về chăm sóc sức khỏe tinh thần trong mùa dịch, báo cáo "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch" của PGS. TS. Nguyễn Văn Thọ - Trưởng Khoa Y học Cổ truyền như một làn gió mới, mang đến nguồn năng lượng tích cực, củng cố tinh thần lạc quan và truyền cảm hứng cho người thàm dự. Trước sự thân hòa, gần gũi của thầy, nhiều sinh viên tham dự đã mạnh dạn hỏi xin PGS. TS. Nguyễn Văn Thọ bí quyết để luôn vui tươi và yêu đời. Thầy Thọ chia sẻ: “Tiếp tục hoạt động cho não và cơ thể; kết nối xã hội là một điều ưu tiên; tự chăm sóc mình (như tập yoga, xem phim, nghe nhạc,...); giúp những người khác nếu có thể. Người Việt mình lạ lắm! “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Khi có hoạn nạn, họ càng dũng cảm. Khi có “giặc” Covid, họ càng đùm bọc và đoàn kết với nhau. Việc giúp đỡ người khác khi có thể như đã là nhu cầu trong tim mỗi người dân vậy. Thật tuyệt vời khi là một công dân Việt Nam!"

Bên cạnh 3 báo cáo bổ ích, các diễn giả cũng nhiệt tình giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến sức khỏe và phương pháp phòng chống Covid cho người tham dự, giúp mỗi người tích lũy được nhiều kiến thức hữu ích cho bản thân và gia đình trong thời điểm dịch bệnh.

Trong thời điểm thực hiện nguyên tắc "AI Ở ĐÂU, Ở YÊN ĐÓ”, việc tự chăm sóc bản thân và nâng cao sức khỏe sẽ giúp chúng ta bảo vệ chính mình và cộng đồng nói chung. Chúc mọi người tìm thấy những phương pháp hay để luôn giữ cho bản thân một sức khỏe dồi dào, một tinh thần lạc quan, từ đó sẵn sàng chung tay với đất nước vượt qua đại dịch Covid-19.

Đỗ Thị Cao Thông
Sinh viên Khóa 23 - Khoa Luật


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag