TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trang thông tin chính thức

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường của sinh viên Văn học ứng dụng đạt loại xuất sắc

(VLU, 14/10/2021- Sáng ngày 13/10/2021, Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài “Tìm hiểu tác phẩm âm nhạc Giễu nhại (Musical Parody) của Việt Nam (2015 – 2020)” do sinh viên Nguyễn Trung Nghĩa, Khóa 23 khoa Xã hội và Nhân văn chủ nhiệm.

Buổi nghiệm thu có sự góp mặt ThS. Đào Thị Diễm Trang - Giảng viên hướng dẫn đề tài cùng các thầy cô trong Hội đồng: TS. Hồ Quốc Hùng – Phó Trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang, Chủ tịch, Phản biện; TS. GVC. Nguyễn Hoài Thanh – giảng viên ngành Văn học ứng dụng, Phản biện; ThS. Ngô Thị Ngọc Thủy - Ủy viên, Thư ký.

Bằng việc đưa ra các cơ sở lý thuyết, quá trình hình thành và phát triền của thể loại Parody, nghiên cứu đã làm rõ vấn đề mà lâu nay nhiều người thường nhầm lẫn: xem Parody chỉ là một trào lưu, hiện tượng. Thông qua quá trình nghiên cứu, sinh viên đã chứng minh Parody là một nhánh của chuyển thể (adaptation) được công nhận và nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy thực trạng phát triển của thể loại Musical Parody tại Việt Nam. Bên cạnh các góc nhìn tích cực, tác giả cũng chỉ ra những điểm hạn chế về cách ứng dụng thể loại này trong xu hướng ngày nay, từ đó đề xuất những giải pháp giúp thể loại Parody nói chung và Musical Parody nói riêng được mọi người nghiêm túc nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật.

vlu nghiem thu de tai nghien cuu khoa hoc sinh vien a

TS. GVC. Nguyễn Hoài Thanh đã có lời khen ngợi sự tiến bộ và nỗ lực nghiên cứu của tác giả. Theo tiến sĩ, đây là một bài nghiên cứu có chất lượng, được thực hiện công phu, có đóng góp về lý luận và có nhiều mô tả chi tiết quá trình, thực tế cũng như những hạn chế của loại hình này tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng, TS. Hồ Quốc Hùng cho rằng đây là một đề tài đột phá trước thực trạng "bế tắc đề tài" trong ngành Văn học hiện nay. Tiến sĩ cho biết: “Về mặt lý luận, trong quá khứ mỗi thể loại để được định hình, định tính, được thẩm định và xác định cần trải qua hàng thế kỷ. Nhưng thời đại bây giờ thì khác. Đây là thời đại bùng nổ thông tin. Vấn đề đặt ra có thể ngày hôm nay thế này, ngày mai khác nhưng ta không thể phủ định được nó. Bởi vì sự tồn tại của một loại hình trong xã hội ít nhất được công chúng đón nhận và tồn tại trong một chặng đường vài thập niên, khoa học cần phải suy nghĩ”. Thầy đánh giá cao hướng đi táo bạo, thể hiện khát vọng và ý đồ khoa học của tác giả.

TS. Hồ Quốc Hùng chia sẻ thêm: “Tôi khuyến khích lớp trẻ và những người làm khoa học, có ý thức về khoa học phải luôn luôn nghĩ rằng mình có thể làm được. Đừng cứ đợi người nào đó dẫn dắt. Có những "ngu ngơ ngớ ngẩn" lại chứa đựng những mầm mống về một dự cảm khoa học.”

Bên cạnh những lời khen, các giảng viên phản biện cũng có những ý kiến đóng góp tích cực về hình thức trình bày của nghiên cứu sao cho chặt chẽ và gọn gàng hơn. Về nội dung, tác giả cần có thêm thông số thực tiễn cụ thể cũng như các thông tin liên quan về thực trạng của thể loại Parody ở nhiều khu vực nhằm tăng sức thuyết phục của nghiên cứu.

vlu nghiem thu de tai nghien cuu khoa hoc sinh vien bHội đồng dành nhiều nhận xét tích cực cho đề tài nghiên cứu khoa học “Tìm hiểu tác phẩm âm nhạc Giễu nhại (Musical Parody) của Việt Nam (2015 – 2020)”.

Là giảng viên trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài, ThS. Đào Thị Diễm Trang - giảng viên Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên của bạn trong suốt bốn năm học. Do đặc thù của ngành Văn học ứng dụng còn mới nên sinh viên tiếp cận với công việc nghiên cứu lần đầu. Tuy bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sinh viên đã nhập cuộc rất nhanh, tính độc lập, chủ động trong nghiên cứu tốt.”

Sau thời gian bàn bạc và thảo luận, Hội đồng thống nhất đề tài “Tìm hiểu tác phẩm âm nhạc giễu nhại (Musical Parody) của Việt Nam (2015 – 2020)” có tiềm năng phát triển cao hơn ở các cấp học. Xem xét dưới góc độ của một công trình nghiên cứu khoa học, Hội đồng cũng có những góp ý đến sinh viên về việc cần nắm vững các khái niệm và những giới hạn cần thiết về mặt lý thuyết để tạo ra sự cân đối, tính liền mạch và logic trong các lập luận khoa học, đòi hỏi nâng cao thêm tính lý luận về mặt khái quát của các vấn đề, cần tiết chế các đánh giá cảm tính.

Kết thúc buổi nghiệm thu, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường của sinh viên Nguyễn Trung Nghĩa được Hội đồng đánh giá đạt loại Xuất sắc với thang điểm 90/100.

Lê Nguyễn Châm Khanh


Tin mới

HE THONG LOGO CUA TRUONG 02

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Tuyển sinh: 028.7105 9999 | Đào tạo: 028.7109 9221

Hỗ trợ SV (Call Center): 028.7106 1111

info@vlu.edu.vn

Cơ sở chính: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Cơ sở 1: 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, TP. HCM

Cơ sở 2: 233A Phan Văn Trị, P.11, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Ký túc xá: 160/63A-B Phan Huy Ích, P. 12, Q. Gò Vấp, TP. HCM

vn flag  vn flag